SMW3 hay còn gọi là SEA-ME-WE3 (viết tắt cụm từ South-East Asia – Middle East – Western Europe 3) là tuyến cáp quang biển kết nối các vùng Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu.
SMW3 là tuyến cáp quang biển dài nhất thế giới, 39.000km, được bắt đầu xây dựng vào đầu năm 1999 và hoàn thành vào cuối năm 2000. Tại Việt Nam, tuyến cáp này cập bờ tại Đà Nẵng.
Theo một số thông tin trên mạng, tuyến cáp SMW3 sắp hết hạn sử dụng và có thể sẽ không còn hoạt động nữa trong một vài năm tới.
Khi đó, nếu lượng tuyến cáp kết nối quốc tế của Việt Nam không có sự bổ sung mới, tốc độ Internet có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn mỗi khi có sự cố xảy ra.
Tuổi thọ cáp quang biển thông thường khoảng 25 năm
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, thời gian sử dụng của một tuyến cáp quang biển thông thường được thiết kế khoảng 25 năm.
Tuy nhiên thực tế luôn có một sự dao động khá lớn về “đời sống” của một tuyến cáp quang biển.
Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ bền của tuyến cáp, tần suất xảy ra những sự cố trên cáp, tác động của vùng biển tuyến cáp đi qua, tác động từ hoạt động của tàu thuyền trên biển, mức độ đóng góp băng thông, chi phí duy trì hoạt động…
Theo đó, nếu xét theo những tác động khách quan, thời gian hoạt động của một tuyến cáp quang biển thường sẽ giảm xuống so với thiết kế ban đầu, có thể còn 20 năm, thậm chí 15 năm.
Tuy nhiên, nếu xét theo tầm quan trọng hay sự thiết yếu với các hệ thống mạng của các quốc gia liên quan, tuyến cáp có thể được kéo dài thời gian hoạt động trong khả năng lâu nhất.
Bảo trì cáp quang biển rất tốn kém
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nguyên lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho biết việc tham gia đầu tư xây dựng cũng như duy trì, bảo hành, sửa chữa một tuyến cáp quang biển đòi hỏi chi phí cực kỳ lớn.
Nó không đơn giản theo kiểu một doanh nghiệp của một quốc gia muốn là làm được ngay mà cần sự đồng thuận từ ít nhất hai, nhưng thông thường là nhiều doanh nghiệp tại nhiều quốc gia liên quan. Như tuyến cáp SMW3 có sự tham gia của 92 nhà đầu tư trong ngành công nghiệp viễn thông.
Và cũng do đó, những quốc gia không hoặc chưa có, chưa đủ điều kiện để xây dựng mới thêm nhiều tuyến cáp quang biển sẽ phải tận dụng triệt để những gì đang có.
Trong đó có việc kéo dài thời gian hoạt động của các tuyến cáp quang biển hiện tại, dù các chi phí để duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa… tốn kém hơn.
Trong khi đó, theo chia sẻ từ các nhà mạng viễn thông Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm hai tuyến kết nối Internet đi quốc tế ngay trong năm 2023.
Trong đó, VNPT tham gia tuyến SJC 2, Viettel tham gia tuyến ADC. Dự kiến đến năm 2025, tổng số tuyến cáp quang biển mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng khoảng 10 tuyến, gấp đôi hiện nay.
Bốn tuyến cáp quang biển gồm AAG, APG, AAE-1 và IA (Liên Á) gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.