Châu Âu muốn ‘cai’ điện thoại cho trẻ

Một người biểu tình chụp ảnh với tác phẩm châm biếm nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tại khu vực đối diện Tòa nhà Nghị viện Anh ở trung tâm London, Anh vào tháng 10-2021 - Ảnh: AFP

Một người biểu tình chụp ảnh với tác phẩm châm biếm nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tại khu vực đối diện Tòa nhà Nghị viện Anh ở trung tâm London, Anh vào tháng 10-2021 – Ảnh: AFP

Đây là bước đi quyết liệt của EU trong bối cảnh nhiều nước đang cố gắng hạn chế người trẻ dùng smartphone và vào mạng quá nhiều.

Trên khắp thế giới, không ít phụ huynh đau đầu trong việc quản lý con dùng điện thoại thông minh sau khi chứng kiến những ánh mắt thẫn thờ, những câu trả lời cụt lủn, những gương mặt hầu như chỉ cúi xuống, dán vào điện thoại.

Nhắm vào các nền tảng trực tuyến

Theo trang Politico, đạo luật mới sẽ yêu cầu các mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube phải công khai hệ thống để EU kiểm tra kỹ lưỡng và phải chứng minh rằng họ “đang cố gắng hết sức để đảm bảo sản phẩm của mình an toàn cho trẻ em”.

Nếu không tuân thủ, các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu hằng năm.

Quy định mới của EU sẽ cho phép các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tiếp cận những dữ liệu mà trước đây thường được “chôn” sâu bên trong máy chủ của các công ty.

Đối mặt với áp lực gia tăng trong những năm qua, các nền tảng như Instagram, YouTube và TikTok đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để trấn an dư luận, gồm cả cho phép phụ huynh kiểm soát hoạt động của con cái khi online.

Kể từ năm 2021, YouTube và Instagram gửi thông báo nhắc người trẻ về việc cần nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian nhất định dùng ứng dụng. Hồi tháng 3, TikTok thông báo trẻ phải nhập mật khẩu sau một giờ truy cập để tiếp tục xem video.

Tuy nhiên đạo luật DSA còn đi xa hơn thế. Các nền tảng lớn này sẽ phải trình Ủy ban châu Âu – cơ quan giám sát Đạo luật DSA – bản đánh giá hằng năm về tác động của các thiết kế, thuật toán, nội dung quảng cáo và điều khoản dịch vụ đối với một loạt vấn đề xã hội như bảo vệ trẻ vị thành niên và sức khỏe tâm thần.

Sau đó họ sẽ phải đề xuất và thực hiện các biện pháp cụ thể dưới sự giám sát của một công ty kiểm tra, Ủy ban châu Âu và các nhà nghiên cứu được ủy nhiệm.

Các biện pháp này có thể bao gồm quy định thuật toán không được đề xuất video về ăn kiêng cho các bé gái, hoặc tắt chế độ phát video tự động để trẻ không còn dán mắt vào màn hình. Các mạng xã hội cũng sẽ bị cấm theo dõi hoạt động trực tuyến của trẻ để cá nhân hóa quảng cáo.

EU cũng đang làm việc với các công ty công nghệ, hiệp hội ngành và các nhóm trẻ em về quy định thiết kế trang mạng xã hội theo cách bảo vệ trẻ vị thành niên. Đến năm 2024, EC sẽ cung cấp danh sách rõ ràng các biện pháp mà họ muốn các mạng xã hội lớn phải tuân thủ.

Nhiều nước hành động

Các mạng xã hội luôn muốn thu hút đông đảo người dùng tham gia và giữ chân họ càng lâu càng tốt để thu lợi “khủng” từ quảng cáo. Tuy nhiên việc này dẫn đến các hệ lụy tiêu cực như khiến người trẻ lo lắng, trầm cảm, tự ti về diện mạo hình thể và mất tập trung.

Các khảo sát quy mô lớn về sức khỏe tâm thần ở Mỹ phát hiện trong 15 năm qua có sự gia tăng đáng kể về tình trạng sức khỏe tâm thần không tốt ở trẻ vị thành niên, nhất là trong dịch COVID-19. Nhiều em đã nảy sinh ý định tự tử, bị trầm cảm hay nhẹ hơn là khó ngủ.

Ông Luca Braghieri, phó giáo sư kinh tế tại ĐH Bocconi (Ý), cho biết ban đầu ông nghĩ những lo ngại về Facebook đã bị thổi phồng, nhưng ông đã thay đổi suy nghĩ sau khi bắt đầu nghiên cứu.

Ông Braghieri và cộng sự đã xem xét các khảo sát về sức khỏe tâm thần ở nhiều trường đại học Mỹ từ năm 2004 – 2006 (giai đoạn Facebook lần đầu tiên được dùng ở Mỹ), và nhận thấy tại những trường có dùng Facebook, sức khỏe tâm thần của sinh viên giảm sút theo cách chưa từng thấy so với những trường chưa dùng.

Những lo ngại về hậu quả của việc người trẻ lạm dụng smartphone và Internet đã khiến các nước như Trung Quốc, Pháp hay bang Utah của Mỹ thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Gần đây Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đề xuất hạn chế thời gian sử dụng smartphone của trẻ vị thành niên, người dưới 8 tuổi chỉ được dùng tối đa 40 phút/ngày, từ 8-16 tuổi là 1 giờ/ngày, còn thiếu niên từ 16-17 tuổi là 2 giờ/ngày.

Bang Utah của Mỹ đã đưa ra lệnh giới nghiêm kỹ thuật số, bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ mới được dùng mạng xã hội. Còn Pháp đã bắt buộc các nhà sản xuất thiết bị phải tích hợp hệ thống kiểm soát của phụ huynh.

Các công ty sẵn sàng thay đổi?

Hiện không rõ Ủy ban châu Âu sẽ điều tra và xử lý các mạng xã hội thế nào nếu họ vi phạm Đạo luật DSA, theo báo Politico.

Chuyên gia chính sách John Albert tại nhóm nghiên cứu AlgorithmWatch bình luận việc có bao nhiêu công ty sẵn sàng “hy sinh” mô hình kinh doanh của họ vì sức khỏe tâm thần của người dùng vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bỏ điện thoại xuống để tìm niềm vuiBỏ điện thoại xuống để tìm niềm vui

Làm thế nào để trẻ con, người trẻ buông được chiếc điện thoại, rời xa game, thoát mạng xã hội… để tìm những thú vui có ích hơn là câu hỏi lớn với phụ huynh ngày nay.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *